Sử dụng Vắc-xin để bảo vệ bản thân cũng chính là bảo vệ mọi người xung quanh
Chúng ta đã và đang sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để phòng tránh tai nạn cho trẻ tại nhà, dạy trẻ học bơi và nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp khác nhau – tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ và giúp trẻ lớn lên an toàn hơn. Nhưng một trong những cách hiệu quả để bảo vệ trẻ, đồng thời cũng là bảo vệ chính bản thân bạn, những người thân và thậm chí là hàng xóm của bạn chính là chủng ngừa – một biện pháp giúp xây dựng một hàng rào bảo vệ vững chắc cho chúng ta, ở tất cả các lứa tuổi, các thế hệ từ trẻ sơ sinh đến những thế hệ ông bà – được gọi là “hệ thống miễn dịch cộng đồng”.
Hệ thống miễn dịch cộng đồng này được tạo ra khi hầu hết dân số được bảo vệ khỏi sự tấn công của vi rút hoặc vi khuẩn thông qua việc chủng ngừa. Hệ thống miễn dịch này hoạt động như một chiếc kén vây quanh những trẻ em sơ sinh dưới 6 tháng tuổi[1] – là những đối tượng dễ bị tấn công bởi các bệnh truyền nhiễm nhất nhưng vẫn chưa đủ tuổi để có thể chủng ngừa đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch cộng đồng cũng giúp bảo vệ những người không thể tiếp nhận vắc-xin, chẳng hạn như những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc những người không đủ sức khỏe để có thể tiếp nhận vắc-xin, như bệnh nhân ung thư.
Một khi hệ thống miễn dịch này bị phá vỡ, những kẽ hở trong hàng rào bảo vệ sẽ cho phép bệnh truyền nhiễm dễ dàng tấn công chúng ta. Một nghiên cứu từ Hoa Kỳ chỉ ra rằng khoảng 85% trẻ sơ sinh mắc bệnh ho gà bị nhiễm bệnh từ chính những người thân trong gia đình[2].
Tuy nhiên, không chỉ có trẻ em mới là những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh. Chủng ngừa rất quan trọng đối với tất cả các giai đoạn cuộc đời. Việc tiếp xúc với quá nhiều người tại trường học – là nơi trẻ em vị thành niên dành phần lớn thời gian mỗi ngày - cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm màng não mô cầu tăng cao đối với những trẻ em ở độ tuổi này. Khoảng 10% - 20% bệnh nhân nhiễm bệnh này sẽ có những di chứng vĩnh viễn sau khi nhiễm bệnh và thậm chí có đến 10% bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này dù được chữa trị kịp thời[3].
Nhưng việc chủng ngừa sẽ không nên chỉ dừng lại ở giai đoạn vị thành niên. Đối với một vài vắc-xin phòng ngừa các bệnh như bạch hầu, uốn ván, ho gà thì miễn dịch sẽ không thể kéo dài mãi mãi, do đó, lên kế hoạch cho việc “chủng ngừa tăng cường” đối với các bệnh này là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, sự thật là với cuộc sống bận rộn hiện nay thì chúng ta thường quên đi tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống miễn dịch cho bản thân và cộng đồng.
Câu chuyện của Anna
Hệ thống miễn dịch cộng đồng cũng sẽ giúp bảo vệ những người lớn tuổi – là ông, bà, bố, mẹ, cô, dì, chú, bác của chúng ta. Mặc dù, cảm cúm là bệnh có thể tấn công tất cả chúng ta dù bất kỳ ở độ tuổi nào, nhưng đối với những người già trên 65 tuổi thì càng dễ bị cảm cúm tấn công vì hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu [4]. Một khi người lớn tuổi mắc bệnh cúm thì sẽ tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng khác như viêm phổi, đau tim hay đột quỵ [5]
Việc từ chối chủng ngừa đang làm tăng nguy cơ bùng phát trở lại các bệnh dịch đã từng được xóa sổ. Mặc dù việc chủng ngừa bệnh sởi đã giúp giảm tỉ lệ tử vong do bệnh này gây ra đến 80% trong giai đoạn 2000 - 2017, nhưng vẫn có đến 110.000 người tử vong vì bệnh sởi trong năm 2017 và bệnh nhân chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi [6]
Khi hệ thống miễn dịch cộng đồng bị phá vỡ, thì sức khỏe của chúng ta sẽ bị đe dọa. Gần đây, một trẻ em 5 tuổi người Pháp chưa được chủng ngừa đã phát bệnh sởi trong thời gian cậu bé đến Costa Rica để nghỉ dưỡng cùng gia đình. Và đây chính là lí do khiến quốc gia này đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát bệnh sởi trở lại – căn bệnh đã được xóa sổ khỏi Costa Rica từ năm 2014 [7].
Nếu chúng ta không tự bảo vệ chính mình, bệnh truyền nhiễm sẽ còn tiếp tục có nguy cơ bùng phát và đó sẽ là mối hiểm họa không chỉ cho chúng ta mà còn là hiểm họa cho cả cộng đồng. Do đó, việc chủng ngừa không chỉ mang lại lợi ích cho riêng bản thân chúng ta, mà đó còn là biện pháp tốt nhất để bảo vệ gia đình, những người chúng ta yêu thương và kể cả hàng xóm cũng như cộng đồng xung quanh chúng ta.
Nguồn:
[1] Vaccines Today. What is Herd Immunity? [Online] 2015. [Cited: 05 February 2019.]
[2] Skoff TH, Kenyon C, Cocoros N, et al. 4,s.l. : Sources of infant pertussis infection in the United States. Pediatrics, 2015, Pediatrics, Vol. 136, pp. 635‐641
[3] WHO. Meningococcal vaccines: WHO Position Paper: November 2011. Weekly Epidemiological Records. 2011, Vol. 47, pp. 521‐540.
[4] Aw, D., Silva, A. and Palmer, D. (2007). Immunosenescence: emerging challenges for an ageing population. Available at: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/epdf/10.1111/j.1365-2567.2007.02555.xAccessed 30.05.18.
[5] Warren-Gash, C, et. al. (2018). Laboratory-confirmed respiratory infections as triggers for acute myocardial infarction and stroke: a self-controlled case series analysis of national linked datasets from Scotland. European Respiratory Journal, 51, p.8.
[6] https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles
[7] https://www.thetimes.co.uk/article/its-time-to-get-tough-with-anti-vaxxers-gq8prwcrv