Chuỗi Hội thảo "Tiếp cận và Điều trị Tích cực cho Bệnh nhân Đột Quỵ thiếu Máu Não"
Vào cuối tháng 6 và trong tháng 7 năm 2019, Sanofi đã phối hợp với Hội Tim Mạch Học Việt Nam và Hội Đột Quỵ TPHCM tổ chức chuỗi hội thảo “Tiếp cận và điều trị tích cực cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não”. Hội thảo được tổ chức tại 3 thành phố lớn TPHCM, Hà Nội và Cần Thơ với các bài báo cáo và ca lâm sàng thực tế từ các chuyên gia đầu ngành về thần kinh, đột quỵ và sự tham dự của 270 bác sĩ đến từ TP.HCM, Hà Nội, TP.Cần Thơ và 25 tỉnh thành trên toàn quốc.

270 bác sĩ đến từ TP.HCM, Hà Nội, TP. Cần Thơ và 25 tỉnh thành trên toàn quốc
Theo thông tin từ GS.TS.BSCC. Lê Văn Thính – Chủ tịch Hội Thần kinh học TP Hà Nội, cơn thiếu máu não thoáng qua (Transient Ischemic Attack – TIA) là những rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương khởi bệnh một cách đột ngột của các dấu hiệu của hệ thần kinh khu trú thoáng qua, thời gian kéo dài trong vài giây, vài phút, vài giờ, nhưng không để lại hậu quả gì. Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu báo động phải cảnh giác vì quá trình đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau cơn thiếu máu thoáng qua. Với đột quỵ não nhẹ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, đôi khi bệnh nhân thường bỏ qua các triệu chứng và việc chẩn đoán rất khó khăn.

GS.TS.BSCC. Lê Văn Thính – Chủ tịch Hội Thần kinh học TP Hà Nội trong Hội thảo
Trong phần chia sẻ của TS.BS. Võ Hồng Khôi – Phó Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Bạch Mai trong buổi hội thảo cũng nhấn mạnh: “Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tình trạng này có thể diễn tiến nặng hơn trở thành nhồi máu não để lại di chứng nặng nề về sau cũng như tỉ lệ tử vong cao”.
Thêm vào đó, PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Ngọc – Phó Giám đốc BV Trung Ương Quận đội 108 cũng đưa ra số liệu đáng quan tâm cho nhóm bệnh nhân này: “Với các bệnh nhân bị thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhỏ, nguy cơ tái phát xảy ra trong 2 ngày đầu và những ngày tiếp theo là rất cao. Và khi xảy ra tái phát các triệu chứng của đột quỵ, có thể là 30% trong số đó có thể tử vong hoặc 40% có thể dẫn đến tái phát nặng. Bệnh nhân có thể vừa tái diễn đột quỵ nặng, vừa bị các biến cố tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc các biến cố ngoại vi khác”.
Cùng các chứng cứ khoa học mạnh mẽ hiện nay, một lần nữa TS.BS. Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM đã khẳng định: “Đối với đột quỵ nhẹ & TIA chúng ta có 48 giờ vàng, nếu chúng ta bắt đầu điều trị càng sớm, lợi ích mang lại cho bệnh nhân trong việc phòng ngừa các biến cố đột quỵ sẽ rất cao. Những nghiên cứu gần đây như nghiên cứu CHANCE, nghiên cứu POINT cho thấy nếu các bệnh nhân được dự phòng tích cực bằng kháng kết tập tiểu cầu kép ASA + Clopidogrel và được sử dụng ngay trong 12 giờ đầu hoặc 24 giờ đầu, chúng ta có thể làm giảm trên 30% các biến cố đột quỵ tái phát, giúp cho bệnh nhân dự phòng tối đa các rủi ro trong những giờ tiếp theo”.

TS.BS. Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM trong Hội thảo
Việc nhận biết sớm các triệu chứng và có phương thức điều trị kịp thời cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhẹ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa nguy cơ tái phát các biến cố xảy ra như đột quỵ, các biến cố tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc các biến cố mạch máu ngoại vi khác. Chuỗi hội thảo “Tiếp cận và điều trị tích cực cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não” trong năm 2019 đã khép lại một cách thành công tốt đẹp nhận được các ý kiến phản hồi tích cực từ các chuyên gia y tế tham dự trong và sau hội thảo.
Sau cùng một lần nữa, chuỗi hội thảo này đã thể hiện rõ cam kết của Sanofi: không những cung cấp các giải pháp điều trị tiên tiến, Sanofi luôn đồng hành với các chuyên gia y tế trong việc cập nhật nâng cao kiến thức y khoa trong hành trình chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân Việt Nam.
Một số hình ảnh trong sự kiện:

Phiên thảo luận giữa khách mời tham dự và báo cáo viên

PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Ngọc – Phó Giám đốc BV Trung Ương Quận đội 108

TS.BS. Võ Hồng Khôi – Phó Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Bạch Mai

Hình ảnh lưu niệm của chương trình